'Người vận chuyển' bất đắc dĩ của khu cách ly
Chiều 21/3, bảo vệ Trịnh Văn Lãm vừa nhận ca trực ở tháp A2, chung cư The Gold View, quận 4. Vốn là một nhân viên kho, vừa nhận công việc mới này được bốn hôm nên với Lãm mọi thứ vẫn còn khá lạ lẫm, thậm chí các lối lại còn chưa thuộc hết. Bỗng nhiên, một đoàn xe công an, xe chữ thập hú còi vượt qua cổng chung cư. Mọi người túa ra, hối hả. Lãm còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì một rào chắn đã được dựng lên cách anh chỉ chừng trăm mét. Thang máy ngừng hoạt động. Lực lượng công an lập tức kiểm soát và ngăn những cư dân kéo vali tìm cách rời tòa nhà. Lệnh phong tỏa tòa tháp A1 được công bố.
Đến lúc này Lãm mới biết, bên tháp A1 có hai ca dương tính với nCoV. Một anh công an tiến đến vỗ vai đề nghị hỗ trợ, anh giật mình, chợt nghĩ: "Không lẽ số mình xui vậy?".
Hôm đó Lãm ở lại hỗ trợ lực lượng chức năng đến nửa đêm.
Anh Lãm đang bấm giấy ghi tên số phòng vào hộp cháo để mang lên cho cư dân. Ảnh: Diệp Phan. |
Trở về nhà mệt nhoài, vợ anh đón từ cửa với vẻ mặt lo lắng. "Dù gì cũng mới làm mấy ngày, hay anh nghỉ việc đi", chị Thái Thị Kiều Trinh nói. Mối lo lớn nhất của chị là chồng có thể lây nhiễm Covid-19. Đêm đó, Lãm nằm suy tính rất lâu rồi quyết định "Công việc của mình là tháp A2. Ở đó vẫn an toàn".
Sáng hôm sau, vừa vào đến cổng chung cư, đập vào mắt anh là hàng chục shipper và người thân của các cư dân vận chuyển đồ tiếp tế đến. Khu vực bị phong tỏa nên họ chỉ có thể đứng ngoài. Những cú điện thoại trong gọi ra, ngoài gọi vào với đủ sự hối hả và sốt ruột nhưng không ai biết cách nào để người bên trong nhận được đồ.
Lãm xung phong nhận chuyển đồ lên từng phòng. "Ai cũng sợ nguy hiểm, mình không làm thì ai làm", anh nghĩ bụng. Vậy là sáng hôm đó, anh bảo vệ của tháp A2 "được" chuyển sang tháp A1. Những xe hàng chất đầy liên tục đổ bộ xuống cổng chung cư, Lãm bấm thang máy, đẩy xe ngước nhìn số căn hộ rồi lục tìm hàng hóa trong xe đẩy. Cứ thế, anh gõ cửa từng nhà giao đồ.
Ngày đầu bị phong tỏa, bảo vệ Trịnh Văn Lãm tăng ca đến 22h. Khi cởi bộ đồ bảo hộ ra, mồ hôi ướt đẫm như tắm. Sau một đêm, hai bàn chân xuất hiện mười mụn nước to, sưng tấy, mỗi bước đi là một bước đau nhói. Anh lấy kim đâm thủng mụn nước, bôi thuốc rồi xỏ giày, tiếp tục đến chung cư làm việc. Hôm ấy, có những lúc Lãm tưởng như nhấc không nổi vì đau rát, nhưng nhìn những phần cháo nóng hổi cứ nguội dần, anh lại tự nhủ: "Người ta đang cần thì mình giúp thôi". Nhiều bảo vệ ở đây từ chối công việc này.
Bị cách ly nhưng có một căn hộ, mỗi ngày đều đặt mua trà sữa 4-5 lần. "Tôi chuyển đến nhà này riết thấy quen mặt, đang cách ly họ có thể nghĩ đến việc hạn chế một chút", anh nói.
Anh Nguyễn Lê Quang Hội, tổ trưởng tổ dân phố ở tháp A1, kể: "Những ngày đầu cư dân được tiếp tế và đặt đồ ăn online rất nhiều khiến anh Lãm bận rộn cả ngày, thậm chí là tăng ca. Tôi đã có nhắc nhở chỉ nên mua những thứ cần thiết, đồ ăn vặt nên bớt lại".
Vì có sự nhắc nhở của anh Hội, nên khoảng 5 ngày nay, Lãm không phải làm tăng ca đến 22h nữa. Anh được về nhà lúc 19h.
Khi cách ly, cư dân được phường hỗ trợ một ngày hai bữa cơm, nhưng đồ ăn sáng hay đồ ăn vặt họ vẫn thường xuyên đặt online, Lãm không thể nhớ nỗi một ngày mình chuyển bao nhiêu chuyến hàng. Ảnh: Cư dân cung cấp. |
Mặc dù đã được cán bộ y tế phường hướng dẫn mặc đồ bảo hộ, rửa tay thường xuyên nhưng Lãm vẫn sợ ảnh hưởng đến vợ con. Anh định ở lại chung cư đến khi thời hạn phong tỏa, nhưng không yên tâm để vợ con ở nhà trọ hàng đêm. Vậy là mỗi tối về nhà Lãm tắm rửa thật kỹ, tự giặt quần áo của mình. "Từ hôm đó, hai mẹ con ngủ một góc, ảnh nằm một góc", chị Kiều Trinh nói.
Ngày thứ tư ở trong nhà, gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Lan (42 tuổi), sống ở tầng 18 đã hết thực phẩm dự trữ. 8h15 sáng, người thân nhắn tin báo đồ đã được gửi cho bảo vệ nhưng đến 9h30 chị Lan mới nhận được hàng. Giao túi đồ tận tay, Lãm xin lỗi vì mình giao đồ đến trễ khiến chị chờ lâu. "Tôi chưa kịp cám ơn thì bất ngờ khi anh ấy nói xin lỗi, anh ấy đâu có lỗi gì, chẳng phải vì tôi mà anh ấy phải làm thêm việc sao?", chị Lan tự hỏi.
Sau những ngày "sống chậm", chị thấy việc mình ở lại là đúng đắn dù khoảnh khắc nghe tiếng cửa thông tầng đóng sầm lại để phong tỏa, chị Lan đã hối hận tại mình không đi khỏi đây như nhiều người khác.
"Suốt gần 20 năm ở qua ba cái chung cư, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ nhất về tình người hoạn nạn có nhau, từ chính quyền địa phương đến anh bảo vệ", chị Lan nói.
Ngày hai bữa, lãnh đạo, dân quân và tình nguyện viên phường 1, quận 4, tập trung lại giao cơm cho cư dân. Ảnh: Diệp Phan. |
Ở tầng 29, căn hộ của anh Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog Trần Gia Toàn cách căn hộ của hai người nước ngoài nhiễm bệnh chỉ vài bước chân, mấy hôm nay hạn chế mở cửa. Vợ anh, chị Phạm Thị Ngọc Hà đang mang thai tuần thứ 38.
Tuy đang ở những ngày cuối thai kỳ, nhưng mấy ngày nay, chị Hà vẫn ăn những phần cơm của phường phát đều đặn mỗi ngày hai bữa. "Cơm ngon, canh nóng với nhiều món đầy đủ dinh dưỡng nên gia đình cảm thấy rất yên tâm", anh Toàn nói.
Vì lệnh phong tỏa bất ngờ nên ngày đầu tiên, vợ chồng anh Toàn phải cầu cứu bà ngoại gửi một túi rau lớn vào. Kể từ đó đến nay, gia đình anh không đặt thứ gì qua mạng bởi thấy hài lòng với sự chăm lo của chính quyền địa phương. Hơn nữa, anh Toàn không muốn làm phiền quá nhiều đến "shipper Lãm".
12h30, Lãm ráng nhấc chân giao nốt một hộp cháo cho một cư dân ở tầng 22. Đồ ăn nóng đựng trong hộp xốp hay những cốc cà phê đá, thường được lãm ưu tiên giao trước. "Những thứ như vậy nếu giao trễ chừng 10 phút thôi thì không còn ngon nữa", anh giải thích rồi đẩy chiếc xe lăn bánh.
Mong ước của Lãm là chung cư này không có ai bị nhiễm bệnh nữa. "Nếu không tôi và vợ con là những người tiếp theo bị cách ly", anh kéo khẩu trang thở dốc, trước mặt anh, những túi đồ mới lại được giao đến.
Diệp Phan
Nhận xét
Đăng nhận xét